BÀI SUY NIỆM LỄ CHÚA PHỤC SINH | NIỀM VUI GẶP GỠ VỚI ĐẤNG PHỤC SINH

18/04/2025
182


BÀI SUY NIỆM LỄ CHÚA PHỤC SINH

NIỀM VUI GẶP GỠ VỚI ĐẤNG PHỤC SINH

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, 

Triết gia Gabriel Marcel có nói rằng: “Yêu ai là nói cho họ rằng: “bạn không thể chết”. Trong cuộc sống đời thường, khi chúng ta yêu ai, chúng ta luôn mong gặp được họ. Có những cuộc gặp gỡ dù chỉ một lần nhưng mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui. Cuộc gặp gỡ nào cũng có những cảm xúc khác nhau tùy theo cái mà chúng ta đạt được. Có một cuộc gặp gỡ luôn mang lại cho chúng ta sức sống mãnh liệt, niềm tin yêu vô biên, lòng phó thác vô bờ, để ta vượt lên trên mọi thử thách và cả cái chết, đó cuộc gặp gỡ của Đấng Phục Sinh với Maria Mác-đa-la và các môn đệ, mà Tin mừng của ngày lễ Chúa Phục Sinh diễn tả.

Trước hết, Maria Mac-đa-la được Gioan giới thiệu như một người luôn đi tìm kiếm Chúa. Bà ra mộ từ rất sớm, lúc mà trời còn đang tối. Bà đi sớm như vậy là để mong được thấy xác Đức Giêsu lần cuối cùng. Sau khi phát hiện tảng đá lăn ra khỏi mộ, bà không vào trong, nhưng chạy về báo cho Phêrô và người môn đệ Chúa yêu: “ người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” ( Ga 20,2 ). Sau khi kể chuyện hai môn đệ ra mộ Chúa, tác giả cho chúng ta gặp một Maria Mac-đa-la đang khóc bên bên mộ Chúa và bà tiếp tục tìm kiếm thân xác của Đức Giêsu trong mộ. Khi nói chuyện với hai Thiên thần, Maria Mac-đa-la vẫn tiếp tục tìm và bà đã không nhận ra Đức Giêsu khi Ngài hỏi: “ sao bà khóc, bà tìm ai?”. Maria Mac-đa-la vẫn cứ tưởng đó là người làm vườn. Bà không nhận ra Chúa, vì Chúa Giêsu không hoàn toàn giống như trước đây nữa. Nhưng khi Đức Giêsu gọi chính tên bà, Maria Mac-đa-la đã nhận ra Người. Bà đã vui mừng khi gặp được Đấng Phục Sinh và đã đáp lại bằng tiếng kêu từ chính lòng mình: “ Lạy Thầy”. Chúa Giêsu đã nói với bà: “ thôi đừng giữ Thầy lại” ( Ga 20,17 ) và Maria Mac-đa-la đã đi báo cho các môn đệ: “ tôi đã thấy Chúa”.

  Thứ đến, thời điểm Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với Ngài hiện ra với Maria Mac-đa-la, cũng chính là thời điểm Ngài hiện ra với các môn đệ, nhưng vào buổi chiều: “ vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần” (Lc 24,13). Hai môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau. Mẫu số chung của hai ông là thất vọng. Hai ông thất vọng vì bao nhiêu hy vọng trước đây đã tan biến. Chúa Giêsu đã chết. trong lúc tuyệt vọng Đức Giêsu Phục sinh đã hiện ra đồng hành với hai ông và thắp lên trong hai ông một niềm hy vọng. Niềm vui của cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh.

Cuộc gặp gỡ giữa Đấng Phục Sinh với Maria Mac-đa-la và các môn đệ nhằm diễn tả một thực tại về Đức Giêsu hằng sống. Ngài hiện diện không hoàn toàn giống như trước đây nữa, mà thân xác ngài đã được biến đổi thành thân xác vinh hiển, thần thiêng. Người ta không thể tiếp xúc với Đức Giêsu Phục Sinh cách thể lý như khi Người đang còn sống ở trần gian. Đó là lý do tại sao Maria Mac-đa-la đã gặp Chúa Phục Sinh nhưng bà không nhận ra. Chỉ khi Chúa gọi đúng tên bà, Maria mới nhận ra Người ( Ga 20,10 ), cũng giống như hai môn đệ trên đường Emmau nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người bẻ bánh ( Lc 24,30-31 ). Maria Mac-đa-la đã vui mừng khi gặp được Đấng Phục Sinh. Chính lúc này, Chúa làm cho lời hứa của Ngài trong diễn từ ly biệt trở thành hiện thực: “ anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được”( Ga 16,22 ).

Đấng Phục Sinh gặp gỡ Maria Mac-đa-la và các môn đệ cho chúng ta thấy: Thiên Chúa luôn đi bước trước để tìm kiếm con người, cho dù con người có chối bỏ Ngài vẫn một mực yêu thương. Ngài đã bước xuống tận cùng của kiếp người, đã làm người, đã đi vào lịch sử của nhân loại để chia sẻ mọi lo âu khắc khoải của con người và chỉ cho con người con đường về trời. Ngài đã chịu chết, đã sống lại và nay Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta. Chính qua những cuộc gặp gỡ này mà đức tin của chúng ta được củng cố, niềm hy vọng sống lại của chúng ta được bảo đảm. Vậy, chúng ta hiểu về sự sống lại như thế nào? Câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn:

Hai bé sinh đôi được thụ thai trong cùng một bụng mẹ. Thời gian trôi qua, và hai bé sinh đôi cũng lớn lên. Dần dần chúng bắt đầu có ý thức, và nói chuyện với nhau:

Này, cuộc sống quả là tuyệt vời phải không? Ở đây thật là thích thú phải không?

Hai bé bắt đầu khám phá thế giới của chúng. Khi chúng gặp được cái nhau kết nối chúng với bà mẹ và qua đó lương thực được chuyển đến cho chúng, thì chúng hớn hở reo lên:

 Mẹ chúng ta thương yêu chúng ta quá đến nỗi đã chia sẻ cuộc sống cho chúng ta!

Tháng ngày trôi qua. Bỗng nhiên chúng khám phá rằng có cái gì đang thay đổi. Một em đặt câu hỏi:

  Thế này có nghĩa là gì?

   Điều này có nghĩa là sắp sửa không còn chỗ chúng ta ở đây nữa.  Em kia trả lời. Chúng ta không thể ở đây. Chúng ta sắp sinh ra đời.

Nhưng em thứ nhất vặn lại:

   Tớ không muốn ra khỏi đây bằng bất cứ giá nào; tớ thích ở đây mãi.

  Nghĩ lại đi, bé kia nói: không còn giải pháp nào khác. Có lẽ có một đời sống khác sau khi sinh ra.

  Làm sao có thể được? Em thứ nhất khẳng khái trả lời. Nếu không cái nhau mang lại sự sống cho chúng ta thì không thể nào sống được. Ngoài ra, những người khác trước chúng ta đã ra khỏi lòng mẹ và không ai trở lại để kể lại cho chúng ta rằng có một cuộc sống sau khi sinh ra. Không, không được. Rời khỏi chỗ này là hết. Đó là sự kết thúc.

 Người em ghi khắc vào tâm khảm những lời của anh mình, và tỏ ra băn khoăn. Em nghĩ rằng: nếu sự thụ thai kết thúc với việc sinh ra, thì cuộc sống ở đây có ý nghĩa gì không? Chẳng có ý nghĩa gì. Rất có thể là cũng chẳng có bà mẹ như chúng vẫn tin. Thế rồi, em phản đối: Phải có cuộc sống khác chứ; nếu không thì chẳng còn gì nữa hết.

  Nhưng mà em có khi nào thấy mẹ chưa? Có lẽ chúng ta tưởng tượng ra đấy thôi; chúng ta tìm cách để giải thích cuộc sống ở trong này.

Thế rồi, giữa những nghi nan và thắc mắc gây ra biết bao nỗi lo lắng, hai anh em đã trải qua những ngày chót trong bụng mẹ. Cuối cùng thì tới giờ sinh ra. Khi hai anh em rời bỏ thế giới của mình, chúng mở mắt ra và la lên: Ôi, điều mình thấy vượt xa những giấc mơ táo bạo nhất!

Câu chuyện này diễn tả sâu sắc một cảm nghiệm rất nhân bản về ý nghĩa của sự phục sinh, khi nghe loan báo về sự chiến thắng trên sự chết; sự chiến thắng vĩnh viễn, bởi vì chúng ta không trở lại cuộc đời này như ông Ladaro để rồi phải chết lần nữa; nhưng chúng ta sẽ sống cuộc sống của Thiên Chúa, không thể nào chết nữa.

 

Linh mục Giuse Phan Cảnh